Khai mạc đúng ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, triển lãm tranh “Hoan ca của sắc màu” là cuộc hội tụ đầu xuân của năm hoạ sĩ nữ: Nguyễn Thị Lan Hương, Trần Thị Thu, Bùi Mai Hiên, Nguyễn Thị Mỵ và Đoàn Thu Hương. Cùng thể hiện đề tài về người phụ nữ song với năm phong cách hội họa riêng biệt, nhóm tác giả mang lại cho người xem những quan điểm, góc nhìn thẩm mỹ về đời sống, tâm tư của “phái đẹp”.


Đem đến triển lãm những tác phẩm tâm đắc của mình, họa sĩ tranh sơn mài Đoàn Thu Hương cho biết, nhịp sống đương đại đã tác động rất lớn đến tư duy và cảm xúc sáng tạo của chị. Ví dụ bức “Chiều cuối năm”, đó là một câu chuyện có thật trong cuộc sống, tuy không diễn ra ở vùng núi như thể hiện trong tác phẩm, nhưng đó mà là một câu chuyện mà chị là người trong cuộc. Từ sự trải nghiệm niềm vui trong ngày Tết Ất Mùi vừa qua đã khơi gợi nguồn cảm xúc thăng hoa để nữ họa sĩ biểu đạt trong tranh. Hoặc như với tác phẩm “ Lời ru” mang âm hưởng hạnh phúc gia đình, ta thấy có sự hoà âm thánh thót của violon, sáo, những giai điệu êm đềm lời mẹ ru con và niềm hạnh phúc của người phụ nữ làm mẹ. Như lời một nhà phê bình mỹ thuật: “Tranh sơn mài của hoạ sĩ Đoàn Thu Hương là một luồng gió khác thổi tới chất liệu truyền thống này, giúp cho người xem thấy vẻ đẹp của sự hoang dã, một bản năng rất nguyên thuỷ đầy tươi mới, trẻ trung”.

Cũng là những nét mềm mại đan xen tâm tư dồi dào của một người phụ nữ, nhưng những gì Bùi Mai Hiên đưa vào tác phẩm sơn mài của mình lại vô cùng khác. Với những vẩy sơn, những mảng loang màu, cùng những biến tấu uyển chuyển của hình hoạ, Mai Hiên đã rất thành công trong việc đưa những thủ pháp đương đại vào trong một không gian chất liệu sơn mài truyền thống. Tranh của chị là cái nhìn đương đại, hoà mình uyển chuyển trong những truyền thống, nó tựa như phác thảo chân dung về người phụ nữ Việt Nam ở quá khứ và hiện tại.

Tranh sơn dầu của Trần Thị Thu là đường nét thô ráp, nứt gãy, những mảng trắng, xanh, đỏ và vàng nhẹ nhàng uốn mình quanh một sức nặng khó cưỡng lại của một không gian tối, mờ và vô định - tất cả hoà vào nhau trong một bản vũ điệu nhịp nhàng, nhưng không thiếu phần tự do, vùng vẫy. Tương tự là các tác phẩm “tranh Nuy” của Nguyễn Thị Mỵ, lột tả cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ về nội tâm, về ý nghĩ và tâm niệm với xúc cảm dâng trào như sóng triều vỗ mạnh vào bờ cát.

Nguyễn Thị Lan Hương là một cái tên không còn xa lạ với công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam. Với bút pháp độc đáo, những sáng tạo bất ngờ trong việc tạo bề mặt với các chất liệu vô cùng đời thường như giấy, vải màn, vải bố, dây gai, cùng với một bản năng vô cùng mềm mại, nhưng cùng lúc lại như muốn bùng cháy. Các tác phẩm của chị dù có những nét phá cách nhưng không tách rời cuộc sống.
Năm nữ hoạ sĩ, năm phong cách nghệ thuật, năm quan điểm khác nhau; nhưng cũng lại rất nhịp nhàng, đồng điệu, để cùng nhau phác nên một chân dung về tâm can của một người phụ nữ, khi trẻ trung, bùng cháy như cô gái xuân thì, lúc lại dịu dàng đằm thắm. Triển lãm kéo dài 8 - 28/3/2015, tại Trung tâm nghệ thuật Heritage Space (Hà Nội).

Đăng nhận xét